Ngày 30/7/2020, VASEP đã gửi Công văn số 105/CV-VASEP tới Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) góp ý hai dự thảo đang được lấy ý kiến là Dự thảo sửa đổi, bổ sung NĐ 43/2017 về nhãn hàng hoá và Dự thảo thông tư ghi nhãn điện tử.
Tại công văn này VASEP cho rằng, một trong những quan ngại nhất của Hiệp hội là việc đề xuất đưa hàng “xuất khẩu” (XK) vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017, trong khi vướng mắc về quy định sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài trên hàng xuất khẩu tại Nghị định 74/2018 chưa được giải quyết triệt để như ý kiến kết luận cuộc họp ngày 20/5/2020 về MSMV của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Dự thảo nghị định ghi nhãn hàng hóa
Bỏ “hàng hóa xuất khẩu” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo
Theo VASEP, việc cho “hàng hóa XK” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo này là bất hợp lý, tốn kém, bất khả thi, trái với thông lệ quốc tế và không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước.
Bất hợp lý: Hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà phải ghi nhãn theo cả quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước xuất khẩu là rất bất hợp lý, gây tốn kém mà không có lợi gì cho người tiêu dùng, và thậm chí bất khả thi khi pháp luật Việt nam và pháp luật nước xuất khẩu có điểm khác biệt.
Quy định như tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP hay Nghị định số 43/2017/NĐ-CP đã được cân nhắc với thực tiễn và thông lệ quốc tế, chưa có bất cứ báo cáo đánh giá tác động nào khẳng định rằng việc “không quy định” đã ảnh hưởng và gây hệ luỵ như thế nào đến giao thương, đến kinh tế và sự hội nhập.
Tốn kém chi phí cho DN: Có thể lấy ví dụ, ngành thuỷ sản mỗi năm XK hàng triệu tấn thành phẩm thuỷ sản, hay ngành da giày mỗi năm XK hơn 1 tỷ đôi giày dép các loại (năm 2017 là 1,02 tỷ đôi). Nếu phải thay đổi nhãn, mỗi đôi chỉ cần tốn thêm 100 đồng để làm nhãn mới là nguyên ngành da giầy đã tốn hơn 100 tỷ mỗi năm. Nếu tất cả các ngành SX khác đều phải thay nhãn, tổng thiệt hại của tất cả các ngành kinh tế do việc thay nhãn sẽ lên đến hàng ngàn tỷ.
Bất khả thi: Hàng xuất gia công thường chỉ ghi tên của chủ sở hữu (như Cotsco, Walmart, AquaStar....) theo luật của Mỹ và châu Âu, dự thảo bắt ghi tên nhà sản xuất theo luật Việt Nam chắc chắn nhiều đối tác không chấp nhận.
Trái với thông lệ quốc tế: theo thông lệ quốc tế, tổ chức, cá nhân xuất khẩu tại Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm cung cấp hàng hóa đúng theo giao kèo trong hợp đồng, còn người nhập khẩu là chủ sở hữu hàng hóa phải chịu trách nhiệm đảm bảo việc ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật của nước nhập khẩu. Đây chỉ nên là lưu ý cho các doanh nghiệp cẩn trọng khi ký kết hợp đồng, chứ không thể yêu cầu doanh nghiệp Việt nam đảm bảo thay cho doanh nghiệp nước ngoài được.
Không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước:
Để chống gian lận thương mại, nếu cần ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu: Nghị định 43/2017/NĐ-CP đã có sẵn các điều quy định rất phù hợp như điều 9, khoản 1 (bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa), điều 15 khoản 1 về xuất xứ hàng hóa, do đó chỉ cần quy định hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và những điều này là đủ, chứ không thể yêu cầu tuân thủ cả luật Việt Nam và luật nước nhập khẩu như Dự thảo.
Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì đã có quy định tại Điều 9 Khoản 3 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP là nhãn phải đáp ứng đầy đủ các quy định của Nghị định này, nên cần bỏ đoạn cuối của Điều 8 Khoản 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP để các sản phẩm này không được phép mặc định ghi nhãn là “sản xuất tại Việt Nam”.
Do vậy, VASEP đề nghị bỏ cụm từ “hàng hóa xuất khẩu” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo (giữ nguyên như quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa
Theo VASEP, khoản 3 Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Khoản 4 Điều 9 của Nghị định 43/2017 cũng trái với quy định của Codex Stand 1-1985, mục 8.2.1 và TCVN 7087:2013 và điều 5.9 của cam kết trong Hiệp định EVFTA.
Đồng thời cũng bất hợp lý và bất khả thi, tạo rào cản thương mại. Theo khoản 3 điều 12 NĐ 43 đối với tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thì “Hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu”.
Hàng hóa từ nhà sản xuất có thể xuất đi nhiều nước nên họ không thể đáp ứng yêu cầu riêng biệt cho Việt Nam trừ khi Việt Nam đủ mua hàng khối lượng lớn để họ có thể làm nhãn riêng cho thị trường Việt Nam. Thêm vào nữa, sản phẩm có thể gia công tại nhiều địa điểm khác nhau, nhà sản xuất không thể thể hiện hết thông tin địa chỉ gia công này trên nhãn gốc sản phẩm.
Do đó, việc yêu cầu đầy đủ thông tin của tổ chức sản xuất, tổ chức cá nhân nhập khẩu ở Việt Nam trên nhãn gốc là không khả thi, tạo ra rào cản thương mại cho tất cả các hàng hóa nhập khẩu và vi phạm các điều khoản của EVFTA, cũng như các FTA khác.
VASEP đề nghị bỏ yêu cầu này, giữ nguyên khoản 4 điều 9 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.”.
Trong trường hợp lo ngại có doanh nghiệp lợi dụng nhập hàng với nhãn trắng để về ghi nhãn phụ, có thể quy định nhãn gốc, nếu không có tiếng Việt, thì bắt buộc phải có các điểm a (tên hàng), c (xuất xứ) bằng ngôn ngữ gốc, và các nội dung ghi nhãn khác theo quy định của nước xuất khẩu, và phải đảm bảo trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
Thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo
Khoản 5 Điều 1 của Dự thảo bổ sung Khoản 5a vào Điều 17 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP yêu cầu phạm vi rộng, lại quá nhiều chỉ tiêu (8 chỉ tiêu), gây tốn kém và khó khả thi, đặc biệt với doanh nghiệp trong nước.
Khái niệm “thực phẩm bao gói sẵn” là một khái niệm rất rộng. Theo luật ATTP, “thực phẩm bao gói sẵn là thực phẩm được bao gói và ghi nhãn hoàn chỉnh, sẵn sàng để bán trực tiếp cho mục đích chế biến tiếp hoặc sử dụng để ăn ngay”. Như vậy, khái niệm này bao gồm tất cả các loại sản phẩm như đường, muối, rau củ quả, thuỷ hải sản, thịt... miễn là các sản phẩm này được bao gói dán nhãn hoàn chỉnh.
Như vậy một sản phẩm hoàn toàn là đường; hay Nước khoáng thiên nhiên đựng trong chai là thực phẩm bao gói sẵn, hoàn toàn là nước khoáng lấy từ trong lòng đất; Muối ăn, thành phần chỉ gồm 100% Natri Clorit (NaCl) thì chỉ cần ghi thành phần NaCl là hợp lý, nếu phải ghi thêm các chỉ tiêu năng lượng, chất béo, protein,.. thì không cần thiết và lãng phí, thậm chí làm gì có mà ghi.
Ngay cả như Nhật Bản, một nước tiên tiến và có yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, cũng chỉ yêu cầu nhãn thực phẩm ghi 5 chỉ tiêu: năng lượng, đạm, chất béo, bột đường, natri (muối), và có loại trừ, chứ không phải là 8 chỉ tiêu cho tất cả thực phẩm bao gói sẵn như dự thảo.
Ảnh hưởng đến chủ trương “mỗi vùng một sản phẩm” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi, vì các doanh nghiệp địa phương khó có thể có điều kiện kinh tế và kỹ thuật để phân tích và xây dựng được cả 8 chỉ tiêu trên nhãn.
VASEP đề nghị chưa nên áp dụng ngay, mà nên theo một lộ trình rõ ràng và phù hợp, bao gồm:
- Nhóm sản phẩm nào áp dụng: đề nghị chỉ nên áp dụng với nhóm thực phẩm bổ sung.
- Các chỉ tiêu nào yêu cầu ghi: nên chọn 5 chỉ tiêu theo Nhật Bản, một nước cùng trong CPTPP.
- Áp dụng có lộ trình: khuyến khích áp dụng trong 2-3 năm tới, sau đó mới bắt buộc áp dụng. Đồng thời cần xem xét điều kiện thực tế tại Việt Nam, đảm bảo tính khả thi đối với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tránh tạo ra rào cản cho việc sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự thảo mới đang dự kiến thời hạn áp dụng là từ 01/6/2021. Trong thực tiễn, các DN thường sản xuất nhãn sản phẩm với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí sản xuất. Nếu điều khoản chuyển tiếp chỉ áp dụng cho hàng hóa đã được sản xuất/nhập khẩu trước thời điểm hiệu lực của Nghị định thì doanh nghiệp phải hủy một lượng lớn nhãn đã sản xuất rồi, gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp.
Do đó, nên cho áp dụng ngay với những điều khoản tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (ví dụ thể hiện một số nội dung ghi nhãn bằng phương thức điện tử), hay đặc biệt quan trọng về an sinh xã hội.
VASEP đề nghị lấy điều khoản chuyển tiếp tương tự trong Nghị định 43/2017/NĐ-CP:
- Hàng hóa có nhãn đúng quy định tại NĐ 43 đã được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa đó.
- Nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa đúng quy định tại NĐ 43 đã được sản xuất, in ấn trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng để sản xuất hàng hóa, nhưng không quá 02 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Bổ sung vào Dự thảo quy định về đơn vị đo khi ghi định lượng đối với hàng hóa đặc biệt
VASEP cũng đề nghị bổ sung thêm vào Dự thảo yêu cầu về đơn vị đo khi ghi định lượng đối với các loại hàng hóa đặc biệt (bổ sung quy định tại Phụ lục II của Nghị định 43/2017/NĐ-CP) theo hướng cho phép ghi định lượng đối với hàng hóa đặc biệt ở đơn vị đo khác do Phụ lục II của NĐ43/2017quy định về cách ghi định lượng hàng hóa, hàng hóa dạng rắn, khí thì phải ghi khối lượng tịnh, đơn vị đo là g, kg, mg, µg.
Tuy nhiên, đối với hàng hóa đặc biệt như men thực phẩm (dạng bột khô) thì thông thường được đóng gói theo đơn vị là hoạt lực của men vì quá trình lên men phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của quá trình axit hóa. Hiệu quả của quá trình axit hóa khác nhau ở từng lô sản xuất nên khối lượng tịnh có thể khác nhau trong mỗi đơn vị đóng gói. Do vậy, đơn vị đóng gói được chuẩn hóa theo hoạt lực của men sẽ tốt hơn và cách đóng gói theo hoạt lực của men cũng giúp các nhà sản xuất dễ dàng sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm. Ví dụ: 1 gói men thực phẩm hoạt lực là 100 DCU dùng để lên men 500 lít sữa. Trong khi đó, Dự thảo mới chưa có các quy định này.
Dự thảo Thông tư ghi nhãn điện tử
Điều 9 của Dự thảo quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo tiếp cận thông tin nội dung ghi nhãn theo phương thức điện tử. Trong đó, “trường hợp có sử dụng MSMV thì phải được kết nối từ cơ sở dữ liệu MSMV quốc gia”.
Quy định này tạo thêm rào cản bất hợp lý vì đã đăng ký MSMV tại hệ thống GS1 quốc tế (được cấp MSMV tại nước ngoài) vẫn phải đăng ký ở cơ sở dữ liệu mã số mã vạch quốc gia VN. Quy định này sẽ tạo thêm một giấy phép con không cần thiết cho DN, đi ngược lại chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Đây là yêu cầu bất hợp lý cần xem xét lại. Liên quan đến vấn đề MSMV được “pháp lý hoá trong Nghị định 74/2018” đang tạo ra các vướng mắc cho thực tiễn, cho XK đã được VASEP báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 46/2020/CV-VASEP ngày 22/4/2020, và sau đó là ý kiến kết luận tại cuộc họp ngày 20/5/2020 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với một số Bộ ngành v/v sửa đổi quy định MSMV tại NĐ 74/2018 trong năm 2020.
Hơn nữa, Điều 5.9, mục 2b của Hiệp định EVFTA cũng “không được yêu cầu phê duyệt trước, đăng ký trước hoặc chứng nhận trước đối với nhãn hoặc dấu của sản phẩm làm điều kiện để lưu thông sản phẩm trên thị trường”.
Việc phải “Đăng ký địa chỉ tên miền truy cập thông tin” với cơ quan Quản lý Nhà nước có thẩm quyền là một thủ tục hành chính được phát sinh, tạo thêm cơ chế “xin - cho” cho DN, đi ngược với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
VASEP đề nghị cho phép DN tự công bố MSMV nước ngoài và tên miền truy cập thông tin về nhãn hàng hóa mà DN sử dụng trên nhãn và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin mình công bố, nếu sai sẽ bị xử phạt theo quy định.
(vasep.com.vn)